hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 10/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Kinh tế thị trường là gì? Ưu, nhược điểm của kinh tế thị trường

Kinh tế thị trường được xem là một trong những thành quả quan trọng trong sự phát triển lâu dài của nền văn minh nhân loại, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động. Vậy cụ thể, kinh tế thị trường là gì?

Mục lục bài viết
  • Kinh tế thị trường là gì?
  • Kinh tế thị trường mang đặc điểm gì?
  • Ưu điểm của kinh tế thị trường là gì?
  • Nhược điểm của kinh tế thị trường là gì?
  • Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam

Kinh tế thị trường là gì?

Kinh tế thị trường là loại hình kinh tế - xã hội vận hành dựa trên mối quan hệ giữa người mua và người bán theo quy luật cung - cầu, để xác định giá cả, số lượng hàng hóa, dịch vụ sẵn sàng giao dịch trên thị trường.

Như vậy, có thể hiểu trong nền kinh tế các mối quan hệ kinh tế, sự trao đổi, mua bán các sản phẩm, sự phân chia lợi ích, tìm kiếm lợi nhuận,... đều do các quy luật của thị trường điều tiết và chi phối.

Trong thực tế, nếu không thu được lợi nhuận thì sản xuất, kinh doanh không có động lực để tiếp tục hoạt động thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh dẫn đến sự trì trệ của xã hội.

Kinh tế thị trường giải quyết được những vấn đề đó và được xem là thành quả quan trọng trong nền văn minh nhân loại. Kinh tế thị trường không phải là của riêng hay độc quyền trong một hình thái kinh tế - xã hội nào.

kinh te thi truong la gi

Kinh tế thị trường mang đặc điểm gì?

Các đặc điểm cơ bản của kinh tế thị trường hiện nay như sau:

- Nhà nước quản lý nền kinh tế thị trường bằng luật pháp, tạo ra các điều kiện tốt nhất cho thị trường hoạt động, điều tiết toàn bộ nền kinh tế bằng các công cụ kinh tế hợp pháp và khắc phục những thất bại của thị trường.

- Các chủ thể thị trường phải độc lập về pháp lý và đa dạng về loại hình; có quyền tự chủ và tự do kinh doanh; tức là tự do quyết định sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất như thế nào, tự do quyết định giá và trao đổi theo cung cầu thị trường.

- Thị trường tất cả các loại đều có cạnh tranh công bằng và trật tự; độc quyền kinh doanh được kiểm soát có hiệu quả; cạnh tranh không công bằng, không lành mạnh bị loại trừ

- Tự do kinh doanh, cạnh tranh thị trường công bằng và có trật tự là hai yếu tố cơ bản chi phối phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, chi phối sự lựa chọn của các chủ thể thị trường.

- Giá cả tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ và các yếu tố sản xuất (vốn, đất đai, lao động, tài nguyên thiên nhiên…) đều được quyết định dựa trên sự khan hiếm, cạnh tranh và quan hệ cung - cầu của thị trường

Ngoài ra, đặc điểm của yếu tố nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện nay như sau:

- Quản lý và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô;

- Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ và bảo đảm hiệu lực thực thi, trong đó, các điểm nổi bật là xác lập rõ ràng, cụ thể các loại tài sản, quyền sở hữu tài sản, bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản; bảo đảm quyền tự do hợp đồng và thực thi các hợp đồng; bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng và kiểm soát hiệu quả độc quyền kinh doanh dưới mọi hình thức…

- Khắc phục khiếm khuyết, thất bại của thị trường, đồng thời, không làm cho thị trường hoạt động một cách méo mó, sai lệch, không tạo ra những tín hiệu thị trường sai lệch đối với các chủ thể thị trường

- Làm đối tác và tạo cơ hội phát triển đối với khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội khác.

- Tạo điều kiện và đảm bảo công bằng về cơ hội phát triển đối với tất cả công dân; thực hiện phân phối lại thu nhập nhằm giảm bớt bất công, bất bình đẳng trong xã hội và hỗ trợ, nâng đỡ nhóm xã hội yếu thế, các vùng, địa phương kém phát triển

- Đảm bảo hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức cung ứng các loại dịch vụ công, dịch vụ xã hội thiết yếu và thực hiện các nhiệm vụ xã hội khác.

Ưu điểm của kinh tế thị trường là gì?

Trong nền kinh tế thị trường, nếu nhu cầu hàng hóa cao hơn so với nguồn cung, giá cả hàng hóa sẽ cao lên, lợi nhuận từ đó cũng tăng, là động lực để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng nguồn cung.

Theo đó, doanh nghiệp, cơ sở có cơ chế sản xuất hiệu quả, sẽ có tỷ suất lợi nhuận cao, cho phép họ gia tăng quy mô, nguồn lực sẽ đổ dồn về những nơi có hiệu quả sản xuất tốt hơn.

Trái lại, các doanh nghiệp, cơ sở có cơ chế sản xuất không hiệu quả, sức cạnh tranh kém sẽ dần bị đào thải khỏi thị trường.

Nền kinh tế thị trường tạo động lực để các doanh nghiệp đổi mới, phát triển công nghệ, về quy trình sản xuất, quản lý, về các sản phẩm để có thể cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Nền kinh tế thị trường luôn có sự cạnh tranh vì vậy muốn tồn tại phải luôn có giải pháp cải tiến. Kinh tế thị trường cũng là nơi thanh lọc những người thực sự có năng lực, đào thải những ai yếu kém.

Bên cạnh đó, kinh tế thị trường tạo xu thế liên doanh, liên kết đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa các nước. Việc được tiếp xúc, chuyển giao công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý từ các nước phát triển sẽ thúc đẩy các nước đang phát triển có những giải pháp tích cực cho kinh tế nước nhà.

Mức độ thị trường hóa nền kinh tế có thể được là tiêu chí trong xác định điều kiện thương mại giữa hai bên.

Ngoài ra, nền kinh tế thị trường cũng mang đến nhiều việc làm hơn cho người lao động.

Nhược điểm của kinh tế thị trường là gì?

Cơ chế phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế thị trường có thể là nguyên nhân gây bất bình đẳng trong xã hội.

Những người chiếm ưu thế trong kinh doanh sản xuất sẽ ngày càng có nhiều tài sản, quyền lực. Những người còn lại cũng sẽ rơi vào tình trạng tệ hơn.

Đó cũng là lý do dẫn đến sự phân chia giai cấp: thống trị và bị trị. Sự phân chia giai cấp cũng dẫn đến những bất ổn trong đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, nếu sau thời gian dài không còn có sự cạnh tranh, những người có tiềm lực mạnh sẽ thâu tóm thị trường, nền kinh tế có thể chỉ do một số ít người thao túng, họ cũng chi phối thị trường theo ý mình.

Cứ như vậy, nếu không có sự can thiệp của Nhà nước việc tăng giá, giảm chất lượng sản phẩm để tăng thêm lợi nhuận sẽ xảy ra, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế nói chung, người tiêu dùng nói riêng.

Cuối cùng, sự chênh lệch về cung – cầu sẽ là hệ quả dẫn đến khủng hoảng thừa, thất nghiệp và lạm phát.

Các doanh nghiệp không bán được hàng để thu hồi vốn dần sẽ phá sản gây khủng hoảng kinh tế…

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xem là nền kinh tế hiện đại, hội nhập quốc tế và có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nền kinh tế này có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp trình độ phát triển của lực lượng sản xuất;

Với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng trong nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh đó, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Còn thị trường đóng vai trò huy động, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển và là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất.

Các nguồn lực của Nhà nước được phân bổ theo chiến lược, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Trong nền kinh tế thị trường thì Nhà nước đóng vai trò định hướng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch; thực hiện tiến bộ, công bằng trong từng chính sách phát triển và đặc biệt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân...

Một số điều cần cần đáp ứng để cơ chế thị trường không tồn tại những hạn chế như:

- Thị trường có sự cạnh tranh lành mạnh

- Có thông tin minh bạch

- Không bị ảnh hưởng bởi các thông tin ngoại lai

- Không đầu cơ

- Không vi phạm đạo đức kinh doanh

- Không có sự lách luật…

Trên đây là giải đáp về kinh tế thị trường là gì? Nếu còn băn khoăn, độc giả vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Lạm phát là gì? Có ảnh hưởng thế nào đến kinh tế, xã hội?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X