hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 22/03/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nghiên cứu sinh là gì? Điều kiện để trở thành nghiên cứu sinh

Sau khi được cấp bằng thạc sĩ, nếu muốn trở thành tiến sĩ phải trải qua giai đoạn nghiên cứu sinh. Bài viết hôm nay sẽ giúp người đọc hiểu hơn về nghiên cứu sinh là gì? 

Mục lục bài viết
  • Nghiên cứu sinh là gì?
  • Điều kiện để trở thành nghiên cứu sinh?
  • Nghiên cứu sinh và thạc sĩ khác nhau như thế nào?
  • Quá trình nghiên cứu sinh trở thành tiến sĩ
  • Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ
Câu hỏi: Tôi sắp hoàn thành khóa học cao học lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành xã hội và sẽ tiếp tục học lên tiến sĩ. Tôi muốn hỏi về Điều kiện để trở thành nghiên cứu sinh và cấp bằng tiến sĩ hiện nay như thế nào, xin tư vấn.

Nghiên cứu sinh là gì?

Nghiên cứu sinh là gì?Trong hoạt động giáo dục – đào tạo, nghiên cứu sinh được nhắc đến khá nhiều. Vậy nghiên cứu sinh là gì? Tại điều 80 Luật giáo dục 2019, có xác định nghiên cứu sinh của cơ sở đào tạo tiến sĩ là người học thuộc sự điều chỉnh của Luật giáo dục.

Có thể hiểu, nghiên cứu sinh là người đã có bằng thạc sĩ và họ tiếp tục thực hiện nghiên cứu khoa học và dùng kết quả nghiên cứu để làm luận án, luận án tiến sĩ được bảo vệ thành công ở cấp nhà nước thì sẽ dùng làm điều kiện để được cấp bằng tiến sĩ. Như vậy, có thể nói nghiên cứu sinh là giai đoạn chuẩn bị để được cấp bằng tiến sĩ.

Nghiên cứu sinh trong tiếng anh gọi là "postgraduate". Mỗi nghiên cứu sinh sẽ tiến hành nghiên cứu chuyên sâu vào một lĩnh vực nào đó.

Điều kiện để trở thành nghiên cứu sinh?

Để trở thành nghiên cứu sinh thì người học cần phải đáp ứng các nhóm điều kiện quy định tại Điều 7 Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về chương trình đào tạo tiến sĩ như sau:

- Điều kiện chung:

+ Có bằng thạc sĩ hoặc bằng  tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên, hoặc có bậc trình độ bậc 7 trong khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với 1 số ngành đào tạo đặc thù.

+ Đáp ứng yêu cầu đầu vào của Bộ GD- ĐT và của chương trình đào tạo tiến sĩ dự định dự tuyển;

+ Có kinh nghiệm nghiên cứu: thế hiện qua luận văn thạc sĩ theo định hướng của chương trình đào tạo; bài báo/bài báo cáo được công bố; có thời gian làm giảng viên hoặc nghiên cứu của các cơ sở đào tạo/tổ chức KH-CN từ 24 tháng trở lên.

- Điều kiện về năng lực/chứng chỉ ngoại ngữ:

Người dự tuyển nghiên cứu sinh cần phải đạt được trình độ ngoại ngữ nhất định bằng một trong các văn bằng, chứng chỉ sau:

+ Bằng tốt nghiệp đại học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài (của cơ sở đào tạo nước ngoài hoặc cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hoặc cơ sở đạo tại của Việt Nam cấp)

+ Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngôn ngữ do cơ sở đào tạo Việt Nam cấp'

+ Các chứng chỉ ngoại ngữ liên quan được quy đổi tương đương với trình độ ngoại ngữ bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ chuẩn của Bộ giáo dục – đào tạo.

+ Có dự thảo đề cương nghiên cứu hoặc kế hoạch học tập/nghiên cứu toàn khóa

- Đối với người nước ngoài: nếu theo học chương trình đào tạo tiến sĩ bằng Tiếng Việt thì yêu cầu có chứng chỉ tiếng Việt bậc 4 trở lên và đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ 2 (trừ tiếng bản ngữ của người dự tuyển) do cơ sở đào tạo quyết định.

Ngoài những điều kiện chung này, mỗi chương trình đào tạo thì cơ sở đào tạo sẽ quy định chi tiết các tiêu chí về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác theo đặc thù của từng ngành.

Nghiên cứu sinh và thạc sĩ khác nhau như thế nào?

Nghiên cứu sinh và thạc sĩ là hai khái niệm khác nhau, tuy nhiên khá nhiều người dễ bị nhầm lẫn hoặc không hiểu bản chất của hai khái niệm này. Nghiên cứu sinh và thạc sĩ có sự khác nhau như sau:

- Về bản chất:

+ Thạc sĩ: thạc sĩ là một học vị. Trong đó, học vị là văn bằng được cơ sở giáo dục – đào tạo trao cho một người khi học hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định. Ở Việt Nam hiện nay có các bậc học vị sau: học vị tú tài (tốt nghiệp Trung học phổ thông), học vị cử nhân (tốt nghiệp đại học), học vị thạc sĩ và học vị tiến sĩ.

+ Nghiên cứu sinh: Để được cấp bằng tiến sĩ thì người học sẽ trải qua giai đoạn học tập, nghiên cứu mà người ta hay gọi là "nghiên cứu sinh". Vì vậy, nghiên cứu sinh không phải là một học vị như thạc sĩ mà là tên gọi của người học lên trình độ tiến sĩ. Còn tên gọi của những người đang học chương trình đào tạo thạc sĩ sẽ là "học viên".

- Về thời gian học tập:

+ Thạc sĩ: theo quy định mới nhất của Bộ giáo dục và đào tạo thì không quy định chính xác thời gian học thạc sĩ mà tùy theo hình thức đào tạo và chuyên ngành. Tuy nhiên, thông thường, thời gian học thạc sĩ là khoảng 18 đến 24 tháng.

+ Nghiên cứu sinh: thời gian làm nghiên cứu sinh để được cấp bằng tiến sĩ là khoảng 36 đến 48 tháng.

Quá trình nghiên cứu sinh trở thành tiến sĩ

Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ

Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ

Nghiên cứu sinh sẽ có khoảng thời gian đào tạo là từ 03 năm đến 04 năm (từ 36 đến 48 tháng), thời gian cụ thể sẽ tùy vào chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo quyết định. Trong thời gian này nghiên cứu sinh theo thực hiện nghiên cứu học tập theo kế hoạch học tập đã được phê duyệt trước đó.

Thời gian đào tạo có thể kết thúc sớm hơn nhưng không sớm quá 12 tháng và kết thúc chậm hơn nhưng đảm bảo tổng thời gian đào tạo không quá 6 năm (72 tháng) tính từ thời điểm quyết định nghiên cứu sinh có hiệu lực.

Điều kiện của người hướng dân nghiên cứu sinh

Nghiên cứu sinh trong quá trình học tập và nghiên cứu, vì vậy cần phải có người hướng dẫn. Một nghiên cứu sinh sẽ có 1 hoặc 2 người hướng dẫn, trong đó phải có 1 người là giảng viên cơ hữu hoặc giảng viên hợp đồng với cơ sở đào tạo phù hợp với thời gian học tập nghiên cứu trong kế hoạch của nghiên cứu sinh.

Người hướng dẫn nghiên cứu sinh phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:

- Thứ nhất, đáp ứng được các tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy ở trình độ tiến sĩ theo điều 4 Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT

- Trong vòng 5 năm tính từ ngày có quyết định nghiên cứu sinh thì người hướng dẫn này phải có kết quả nguyên cứu trong lĩnh vực liên quan đến đề tài của nghiên cứu sinh:

+ Có báo cáo hội nghị khoa hoặc báo cáo khoa học đăng trên các ấn phẩm thuộc WoS/Scopus;

+ Hoặc có đóng góp vào chương sách tham khảo/ hoặc có sách chuyên khảo do các nhà xuất bản quốc tế uy tín phát hành

+  Hoặc có các bài đăng trên tạp chí khoa học được đánh giá từ 0,75 điểm trở lên; Có bài công bố được Hội đồng giáo sư Nhà nước chấm từ 4 điểm trở lên

+ Có ít nhất 1 kết quả nghiên cứu/ứng dụng khoa học/công nghệ được cấp bằng sáng chế quốc gia hoặc quốc tế (tác giả hoặc đồng tác giả); hoặc có ít nhất 1 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia/quốc tế được cơ quan quản lý nhà nước công nhận (áp dụng cho lĩnh vực nghệ thuộc, thể dục – thể thao).

Những người đáp ứng được những điều kiện trên mới được quyền hướng dẫn thực tập sinh.

Điều kiện để được cấp bằng tiến sĩ

Để được cấp bằng tiến sĩ nghiên cứu sinh phải trải qua các quy trình và điều kiện sau đây:

- Đánh giá luận án bao gồm các hoạt động đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn => phản biện độc lập => đánh giá luận án tại cơ sở đào tạo

- Điều kiện để công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ:

+ Luận án được cấp cơ sở đào tạo thông qua;

+ Luận án bản in và bản điện tử được nộp hoàn chỉnh với chữ ký của nghiên cứu sinh và người hướng dẫn;

+ Bản tóm tắt và luận án hoàn chỉnh(bản in và bản điện tử) được nộp cho Thư viện Quốc gia Việt Nam với đầy đủ chữ ký của nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và xác nhận của cơ sở đào tạo;

Nghiên cứu sinh có được lương không?

Hoạt động nghiên cứu sinh là một quá trình học tập, làm việc khá dài, và vất vả. Đồng thời chi phí học tập trong quá trình này khá lớn dẫn đến một số người sẽ gặp khó khăn khi phải vừa học vừa làm để trang trải. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về việc trả lương cho nghiên cứu sinh.

Nhưng tại nhiều cơ sở đào tạo đã có những chính sách đã có nhiều chương trình học bổng cũng như là có cơ chế trả lương cho các nghiên cứu sinh. Mục đích việc trả lương cho các nghiên cứu sinh của một số trường đào tạo là để khuyến khích thu hút người giỏi tham gia nghiên cứu khoa học, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào đào, nghiên cứu của cơ sở đó.

Trên đây là những quy định về nghiên cứu sinh và quá trình đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam. Các bạn có thể liên hệ tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc đối với các vấn đề pháp luật khác

Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số  1900.6199 để hỗ trợ, giải đáp

Có thể bạn quan tâm

X