hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 22/01/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tài sản là gì? Phân biệt các loại tài sản

Sau đây, Vanbanluat sẽ giải thích về: Tài sản là gì? Đồng thời, phân biệt các loại tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Mục lục bài viết
  • Tài sản là gì?
  • Phân biệt các loại tài sản 
  • Phân biệt bất động sản và động sản


Tài sản là gì?

Tài sản có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, là vấn đề trung tâm của mọi quan hệ xã hội nói chung và quan hệ pháp luật nói riêng.

Tài sản được quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
tai san la gi
Tài sản là gì? Phân biệt các loại tài sản (Ảnh minh họa)

Phân biệt các loại tài sản 

Tài sản là vật

Vật là bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại khách quan mà con người có thể cảm nhận bằng giác quan của mình. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể phân loại vật thành các nhóm khác nhau như sau:

- Vật chính và vật phụ:

Theo Điều 110 Bộ luật Dân sự:

+ Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng;

+ Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính.

Ví dụ: Vật chính là ti vi thì vật phụ là điều khiển ti vi.

- Vật chia được và vật không chia được

Theo Điều 111 Bộ luật Dân sự:

+ Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu. Ví dụ: Xăng, dầu, gạo,…

+ Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.
Khi cần phân chia vật không chia được thì phải trị giá thành tiền để chia.

Ví dụ: Giường, tủ, ô tô, xe máy, …

- Vật tiêu hao và vật không tiêu hao

Điều 112 quy định như sau:

+ Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.
Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn.

Ví dụ: Xi măng, cát, xăng, dầu, thực phẩm…

+ Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.

Ví dụ: Ô tô, xe máy, nhà cửa…

- Vật cùng loại và vật đặc định

Theo Điều 113 Bộ luật Dân sự:

+ Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường. Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau.

Ví dụ: Xăng cùng loại, gạo cùng loại,…

+ Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó.

Ví dụ: Bức tranh vẽ

- Vật đồng bộ

Vật đồng bộ được quy định tại Điều 114, là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.

Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Ví dụ: Đôi giầy, đôi dép…

Tài sản là tiền

Bộ luật Dân sự không có quy định cụ thể tiền là gì. Tuy nhiên, có thể hiểu Tiền là vật ngang giá chung để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Tiền được mọi người chấp nhận sử dụng và do Nhà nước phát hành.

Tài sản là giấy tờ có giá

Giấy tờ có giá được hiểu là giấy tờ trị giá được bằng tiền và chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Giấy tờ có giá hiện nay tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như séc, cổ phiếu, tín phiếu, hồi phiếu, kỳ phiếu, công trái… Xét về mặt hình thức giấy tờ có giá là một chứng chỉ được lập theo hình thức, trình tự luật định.

Tài sản là quyền tài sản

Theo Điều 115 Bộ luật Dân sự, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Phân biệt bất động sản và động sản

Theo Điều 107, bất động sản bao gồm:

- Đất đai;

- Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;

- Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;

- Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Còn lại, động sản là những tài sản không phải là bất động sản.

Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có (đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch) và tài sản hình thành trong tương lai (chưa hình thành hoặc hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch).

Trên đây là giải đáp về tài sản là gì? Nếu còn thắc mắc nào khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.

Tin cùng chủ đề

Thông báo văn bản mới

X