hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 01/08/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tước quốc tịch là gì? Trường hợp nào bị tước quốc tịch?

Tại Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch. Tuy nhiên, có không ít trường hợp bị tước quốc tịch. Vậy đây là gì? Việc tước quốc tịch được quy định thế nào?


Tước quốc tịch là gì? Dựa vào căn cứ nào?

Hiện nay, không có quy định nào định nghĩa tước quốc tịch là gì. Tuy nhiên, có thể coi đây là biện pháp xử lý của một nước buộc công dân đang mang quốc tịch của nước đó không được mang quốc tịch nước đó nữa nếu vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của công dân.

Tại Việt Nam, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam hoạc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị tước quốc tịch theo Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam.

Việc tước quốc tịch Việt Nam khi có các hành vi nêu trên cũng áp dụng với người nước ngoài, người không quốc tịch được nhập quốc tịch Việt Nam. Trong đó, người được nhập quốc tịch Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

- Biết tiếng Việt (có khả năng nghe, nói, đọc, viết) đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;

- Đã thường trú ở Việt Nam từ 05 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam (Đã được cấp thẻ thường trú).

- Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam thông qua các chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Đặc biệt, những người này không cần ba điều kiện cuối nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lưu ý: Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam.

Tước quốc tịch là gì
Quyết định tước quốc tịch Việt Nam do Chủ tịch nước ban hành (Ảnh minh họa)

Trình tự, thủ tục tước quốc tịch được thực hiện thế nào?

Việc tước quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo trình tự, thủ tục tại Điều 32 Luật Quốc tịch Việt Nam và được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP.

Hồ sơ tước quốc tịch

Hiện nay, theo Điều 22 Nghị định 16/2020, cơ quan có thẩm quyền kiến nghị tước quốc tịch gồm Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh hoặc cơ quan đại diện và Tòa án. Dưới đây là hồ sơ cụ thể trong từng trường hợp:

- UBND cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam:

  • Văn bản kiến nghị của UBND cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện về việc tước quốc tịch Việt Nam;
  • Hồ sơ, tài liệu điều tra, xác minh, kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam;
  • Đơn, thư tố cáo người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có.

- Tòa án đề nghị:

  • Văn bản kiến nghị của Tòa án về việc tước quốc tịch Việt Nam;
  • Bản án đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu có liên quan.

Thời gian thực hiện

Thời gian thực hiện thủ tục tước quốc tịch được quy định chi tiết tại Điều 32 Luật Quốc tịch như sau:

- 15 ngày kể từ ngày phát hiện hoặc nhận đơn, thư tố cáo về hành vi làm căn cứ để tước quốc tịch Việt Nam: UBND cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xác minh và gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp.

- 30 ngày: Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam và báo cáo Thủ tướng để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

- 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng, Chủ tịch nước xem xét, quyết định tước quốc tịch của người vi phạm.

Người có thẩm quyền tước quốc tịch

Theo khoản 1 Điều 38 Luật Quốc tịch Việt Nam, thẩm quyền của Chủ tịch nước được quy định như sau:

Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, cho trở lại quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

Do đó, việc xem xét tước quốc tịch Việt Nam của công dân thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

Thông báo việc tước quốc tịch Việt Nam

Theo Điều 24 Nghị định 16/2020, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định tước quốc tịch, Bộ Tư pháp gửi thông báo kèm bản sao Quyết định này cho người bị tước quốc tịch và UBND cấp tỉnh để theo dõi, quản lý, thống kê hoặc cơ quan đại diện để thông báo cho người bị tước quốc tịch.

Sau khi nhận được Quyết định tước quốc tịch, người bị tước quốc tịch Việt Nam phải làm thủ tục xóa đăng ký thường trú, hộ chiếu, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (nếu có).

Trên đây là giải đáp về tước quốc tịch là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X