hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 02/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vốn điều lệ là gì? Có phải chứng minh khi thành lập doanh nghiệp?

Vốn điều lệ là thông tin quan trọng cần phải nắm rõ khi thành lập doanh nghiệp. Vậy, vốn điều lệ là gì và có cần chứng minh vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp không? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ về vấn đề này.

Mục lục bài viết
  • Vốn điều lệ là gì?
  • Thời hạn góp vốn điều lệ khi mở công ty?
  • Vốn điều lệ có ý nghĩa như thế nào?
  • Có cần chứng minh vốn điều lệ khi mở công ty?
  • Cần lưu ý gì khi đăng ký vốn điều lệ?

Vốn điều lệ là gì?

Theo Wikipedia, vốn điều lệ là hình thức góp vốn của các thành viên, cổ động đã cam kết góp trong thời gian nhất định để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, số vốn đóng góp này sẽ được lưu trong hợp đồng được gọi là Điều lệ công ty.

Theo đó, tất cả các thành viên góp vốn và bộ phận điều hành doanh nghiệp có trách nhiệm tôn trọng và nghiêm túc thực hiện theo những điều đã nêu trong điều lệ.

Theo quy định pháp luật, tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ rõ:

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Tài sản góp vốn được quy định cụ thể tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, gồm đồng Việt Nam; vàng; ngoại tệ tự do chuyển đổi; quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kỹ thuật, công nghệ; quyền sử dụng đất; tài sản khác có thể định giá bằng đồng Việt Nam.

Lưu ý: Chỉ có chủ sở hữu hợp pháp hoặc tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản nêu trên thì mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định.

Vốn điều lệ có một số đặc điểm sau:

- Vốn điều lệ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là vốn do các thành viên, cổ đông cam kết góp trong một thời hạn nhất định

- Vốn điều lệ có thể được hình thành từ nhiều loại tài sản khác nhau
 

Thời hạn góp vốn điều lệ khi mở công ty?

Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định rõ thời gian góp vốn của từng loại hình doanh nghiệp như sau:

- Công ty TNHH một thành viên; Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.

Sau thời hạn nêu trên mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:

+ Thành viên đương nhiên không còn là thành viên của công ty (nếu chưa góp);

+ Thành viên chỉ có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

+ Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.

Đồng thời, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp.

- Công ty cổ phần: Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.

Nếu hết thời hạn m cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì thực hiện theo quy định sau đây:

+ Cổ đông chưa thanh toán đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;

+ Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;

+ Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.

- Công ty hợp danh: Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Nếu không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty, đồng thời, số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

von dieu le la gi

Vốn điều lệ là gì? Có phải chứng minh khi thành lập công ty? (Ảnh minh họa)


Vốn điều lệ có ý nghĩa như thế nào?

- Vốn điều lệ công ty cho biết tổng mức vốn đầu tư đăng ký ban đầu của tất cả thành viên vào công ty. Dựa trên mức vốn điều lệ này công ty sẽ đưa ra phương án hoạt động, phát triển phù hợp.

- Vốn điều lệ là căn cứ để phân chia lợi nhuận của các thành viên theo tỷ lệ % mức vốn đóng góp.

- Cổ đông có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp cũng như được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

- Vốn điều lệ cũng là một trong những cơ sở để xác định điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Ví dụ: Công ty A có 02 thành viên góp vốn là A và B. Công ty có đăng ký vốn điều lệ là 1 tỷ. Trong đó, A góp 70% vốn điều lệ công ty (700 triệu), B góp 30% tương đương 300 triệu.

Sau thời gian kinh doanh, công ty kiếm được lợi nhuận là 700 triệu đồng. Trường hợp không có thỏa thuận gì khác thì tỷ lệ phân chia lợi nhuận như sau:

+ A được 70% lợi nhuận tức 490 triệu;

+ B được 30% lợi nhuận tức 210 triệu.

- Vốn điều lệ là sự cam kết mức trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên với khách hàng, đối tác, doanh nghiệp.

Mức trách nhiệm sẽ tương ứng với tỷ lệ % vốn mà thành viên đó góp vào công ty.

Cũng với ví dụ trên, trường hợp sau này công ty kinh doanh bị thua lỗ 1 tỷ và phá sản thì trách nhiệm của mỗi thành viên được xác định trong phạm vi số vốn đã góp.

Cụ thể, A chịu trách nhiệm hữu hạn tối đa số tiền là 700 triệu đồng, B chịu trách nhiệm hữu hạn số tiền tối đa là 300 triệu.

Phần công ty thua lỗ vượt quá 500 triệu so với số tiền các thành viên cam kết góp ban đầu thì các thành viên không phải chịu trách nhiệm.

- Ngoài ra, vốn điều lệ còn có sự ảnh hưởng đến lệ phí môn bài hàng năm mà công ty có nghĩa vụ đóng.

 

Có cần chứng minh vốn điều lệ khi mở công ty?

Đây là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm khi góp vốn mở công ty. Hiện nay, pháp luật không quy định về nghĩa vụ chứng minh vốn điều lệ khi mở công ty mà công ty tự đăng ký và chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính chính xác của nội dung kê khai.

Thêm vào đó, hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm (khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020).

Theo Nghị định 122 năm 2021, hành vi vi phạm này sẽ bị phạt nặng:

Điều 47. Vi phạm về kê khai vốn điều lệ

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.

4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.

5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp.

Tuy vậy, việc chứng minh phần vốn góp vẫn là cần thiết bởi đây là căn cứ để phân chia lợi nhuận về sau. Thành viên, cổ đông có thể chứng minh thông qua các giấy tờ:

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có ghi rõ tỷ lệ vốn góp của các thành viên, cổ đông).

- Điều lệ công ty.

- Giấy chứng nhận cổ phiếu, góp vốn.

- Sổ đăng ký cổ đông, thành viên.

- Chứng từ chuyển tiền qua ngân hàng, chứng từ về tài sản góp vốn, biên lai thu tiền.

- Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan.
 

Cần lưu ý gì khi đăng ký vốn điều lệ?

Khi đăng ký vốn điều lệ, doanh nghiệp cần lưu ý một vài nội dung sau:

- Vốn điều lệ không bị giới hạn mức đăng ký. Tuy nhiên mức vốn điều lệ sẽ ảnh hưởng đến mức lệ phí môn bài công ty phải đóng.

- Tăng, giảm vốn điều lệ bất cứ lúc nào.

- Về thời hạn góp vốn, tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (không gồm thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản), thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết.

Theo đó, cách xử lý với thành viên chưa góp đủ vốn theo cam kết sau khi hết thời hạn nêu trên như sau:

+ Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;

+ Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

+ Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.

Công ty có nghĩa vụ đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp.

Trên đây là giải đáp về Vốn điều lệ là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.

Có thể bạn quan tâm

X