hieuluat

Quyết định 81/2006/QĐ-UBND Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng TrịSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:81/2006/QĐ-UBNDNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Lê Hữu Phúc
    Ngày ban hành:04/12/2006Hết hiệu lực:05/11/2019
    Áp dụng:14/12/2006Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Văn hóa-Thể thao-Du lịch
  • ỦY BAN NHÂN DÂN
    TỈNH QUẢNG TRỊ

    ---------

    Số: 81/2006/QĐ-UBND

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Đông Hà, ngày 04 tháng 12 năm 2006

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI

    -------

    ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

     

    Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

    Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2005;

    Căn cứ Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành "Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội";

    Căn cứ vào Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin về việc "Ban hành Quy chế tổ chức lễ hội";

    Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin,

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”.

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

    Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá- Thông tin, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

     

    TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
    CHỦ TỊCH




    Lê Hữu Phúc

     

    QUY ĐỊNH

    THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI (BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2006/QĐ-UBND NGÀY 04 THÁNG 12 NĂM 2006 CỦA UBND TỈNH QUẢNG TRỊ)

     

    Chương I

    QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1.

    1. Quy định này nhằm cụ thể hóa Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Quy chế tổ chức lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2001 của Bộ VHTT và thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh cán bộ, công chức; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng;

    2. Đối tượng thực hiện: Là cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang; cán bộ, công nhân viên trong các doanh nghiệp; các cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

    Điều 2. Quy định về xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong việc cưới, việc tang và lễ hội phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

    1. Thực hiện đúng những quy định của Pháp luật.

    2. Không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; không được hoạt động mê tín, dị đoan.

    3. Không gây mất an ninh, trật tự; không lợi dụng các lễ hội để hoạt động trái pháp luật, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo.

    4. Không làm cản trở giao thông và ảnh hưởng đến các hoạt động công cộng.

    5. Giữ gìn sự yên tĩnh, không gây tiếng ồn vào ban đêm.

    6. Phải triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không phô trương hình thức. Không được sử dụng phương tiện của cơ quan, đơn vị, tổ chức để đi dự lễ hội khi không có nhiệm vụ; không lợi dụng việc cưới, việc tang để thực hiện vì mục đích vụ lợi; không sử dụng công quỹ của Nhà nước, đơn vị, tổ chức để làm quà mừng cưới, viếng đám tang phục vụ cho mục đích cá nhân.

    Điều 3. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá việc xây dựng đơn vị, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch vững mạnh toàn diện, “Gia đình văn hóa”, “Đơn vị văn hóa” đánh giá thi đua hàng năm của cá nhân và đơn vị.

    Chương II

    MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

     

    Mục 1. TỔ CHỨC VIỆC CƯỚI

    Điều 4.

    1. Việc cưới cần được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và địa phương không trái với Luật Hôn nhân, gia đình.

    2. Cần thực hiện nghiêm túc việc đăng ký kết hôn và tổ chức lễ trao giấy chứng nhận kết hôn. Các lễ khác tùy theo phong tục từng nơi để thỏa thuận lựa chọn nhưng không tổ chức quá rườm rà, khuyến khích lược bỏ các nghi lễ không cần thiết, không được cưỡng ép thực hiện các lễ nghi, quà cưới gây ảnh hưởng đến tình cảm lứa đôi, gia đình, họ tộc và làng xóm.

    3. Lễ trao giấy chứng nhận kết hôn do UBND xã, phường, thị trấn chủ trì, có thể tổ chức tại UBND với sự có mặt của hai gia đình và đôi tân hôn hoặc tổ chức tại gia đình do đại diện chính quyền đến trao và công bố.

    4. Thực hiện hôn nhân tự do tiến bộ; một vợ một chồng, thực hiện nam nữ bình đẳng.

    5. Chương trình ca nhạc phục vụ lễ cưới phải có nội dung lành mạnh; không được tổ chức trước 5 giờ sáng và sau 23 giờ đêm.

    6. Quà mừng cưới là hình thức lưu niệm, là sự hỗ trợ đối với người mới thành lập gia đình. Không được lợi dụng việc cưới để có hành vi vụ lợi, không dùng công quỹ để mừng cưới;

    7. Trang phục, phương tiện, hình thức đưa đón cô dâu, chú rể cần giản dị, theo truyền thống, cần có sự thỏa thuận giữa hai gia đình và người thân, không phô trương, hình thức.

    8. Tổ chức ăn uống cần tiết kiệm, không kéo dài nhiều ngày, số lượng khách mời cần hạn chế chủ yếu là nội thân gia đình, bạn bè thân hữu và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

    9. Không được để xẩy ra các tệ nạn xã hội như dùng chất ma túy, say rượu, cờ bạc và các hình thức mê tín dị đoan khác trong lễ cưới.

    10. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động và cán bộ, chiến sỹ không được đi dự đám cưới trong giờ làm việc.

    11. Đối với nam nữ theo các tôn giáo khác nhau: Sau khi được cấp giấy kết hôn ở UBND xã, phường, thị trấn có thể tổ chức theo nghi thức tôn giáo nhưng phải đảm bảo theo quy định của nhà nước đối với sinh hoạt tôn giáo và các điều ghi trong quy định này.

    12. Đối với các dân tộc miền núi, ngoài việc thực hiện các quy định trên, UBND huyện cần có hướng dẫn chi tiết việc cưới nhằm loại bỏ những hủ tục, tập tục lạc hậu, phản khoa học trong việc cưới xin.

    Điều 5. Khuyến khích thực hiện các hình thức sau trong tiệc cưới:

    1. Báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới.

    2. Tổ chức tiệc trà thay cho tiệc mặn tại gia đình, hội trường, cơ quan, nhà văn hóa; tổ chức đám cưới không hút thuốc lá.

    3. Cơ quan, tổ chức hoặc đoàn thể xã hội đứng ra tổ chức lễ cưới;

    4. Đặt hoa ở đài tưởng niệm, nghĩa liệt sỹ hoặc trồng cây lưu niệm ở khu công viên, Tượng đài tại địa phương mình.

    5. Tổ chức lễ cưới vào các ngày nghỉ.

    Mục 2. TỔ CHỨC VIỆC TANG

    Điều 6.

    1. Việc tang lễ là bày tỏ lòng tiếc thương, tưởng nhớ của người sống đối với người đã mất, cần phải tổ chức chu đáo, trang trọng, thành kính; thực hiện đúng quy định việc khâm liệm và chôn cất; giữ gìn vệ sinh; xóa bỏ lễ nghi và thủ tục phiền phức hoặc ăn uống tốn kém.

    2. Chính quyền địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đoàn thể, đặc biệt là thôn xóm, tổ dân phố, hội người cao tuổi nơi có người chết có trách nhiệm giúp đỡ gia đình có tang lễ tổ chức chu đáo theo nếp sống văn hóa.

    Điều 7.

    1. Tổ chức tang lễ:

    - Ban lễ tang: Do chính quyền hoặc cơ quan, đơn vị cùng các tổ chức đoàn thể, xã hội và gia đình thành lập;

    - Khâm liệm, nhập quan: Sau khi chết không quá 10 tiếng đồng hồ, người chết phải được khâm liệm và không quá 48 tiếng đồng hồ phải tiến hành chôn cất (Trừ trường hợp chưa khâm liệm, chôn cất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền);

    - Tùy theo điều kiện có thể sử dụng ban nhạc hiếu, âm công. Những thành viên ban nhạc phải được đào tạo và có chứng chỉ hành nghề do Sở Văn hóa- Thông tin cấp;

    - Những người có đạo được tổ chức thêm những nghi thức của tôn giáo nhưng cần gọn, nhẹ, tiết kiệm không để ảnh hưởng đến hoạt động chung của xã hội;

    + Trường hợp đặc biệt, muốn kéo dài thời gian khâm liệm, chôn cất, thi hài phải được lưu giữ ở phòng lạnh của bệnh viện hoặc phòng lạnh của nhà tang và phải đảm bảo vệ sinh môi trường tuyệt đối;

    + Trường hợp chết vì dịch bệnh nguy hiểm thì phải khâm liệm, chôn cất theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Những trường hợp này không để quá 24 giờ sau khi chết;

    - Việc phúng viếng: Các tổ chức và cá nhân đến viếng và chia buồn với gia đình có tang có thể sử dụng các hình thức điếu phúng: Hương, đèn, hoa hoặc vật chất để giúp đỡ, hỗ trợ gia đình có tang;

    - Việc đưa tang: Phải tuân thủ các quy định của Pháp luật về an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng; cấm việc rắc “ Vàng mã”, “Tiền âm phủ” trên đường đưa tang;

    - Việc quàn, chôn cất, bốc mộ và di chuyển thi hài: Phải thực hiện theo đúng điều lệ vệ sinh đã được ban hành theo quy định tại Nghị định 23/HĐBT ngày 24/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Chính phủ). Quy hoạch nghĩa trang và việc chôn cất người chết phù hợp với phong tục tập quán, quy định của địa phương; xây lăng, đắp mộ phải tiết kiệm quỹ đất;

    - Mọi nghi thức lễ tang phải được thực hiện gọn gàng, vệ sinh, văn minh, tiết kiệm. Xóa bỏ tệ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu như: Lăn đường, khóc mướn, bắt tà, trừ ma. Không tổ chức cỗ bàn ăn uống mời khách trong những ngày tang lễ;

    - Những người trong ban nhạc, trong ban âm công và các tổ chức làm dịch vụ khác phải có trách nhiệm thực hiện đúng hợp đồng đối với gia đình có tang; được nhận tiền công bồi dưỡng theo sự thỏa thuận, nghiêm cấm lợi dụng việc tang để cưỡng ép gia đình có tang trả công thù lao vượt quá mức đã thỏa thuận.

    Điều 8. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động và cán bộ chiến sỹ: Khi có đám tang và dự đám tang, ngoài việc thực hiện đầy đủ các quy định trên, phải nghiêm chỉnh chấp hành quy chế của Chính phủ về “Việc cưới, việc tang và lễ hội”.

    Điều 9. Đối với các dân tộc ít người ở miền núi, ngoài việc thực hiện đầy đủ các quy định trên, UBND huyện cần có hướng dẫn chi tiết việc tang nhằm loại bỏ những hủ tục, tập tục lạc hậu, phản khoa học trong việc tang.

    Mục 3. TỔ CHỨC LỄ HỘI

    Điều 10.

    1. Tổ chức lễ hội phải trang trọng, văn minh, vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Chấp hành nghiêm Luật Di sản và Quy chế tổ chức lễ hội của Bộ Văn hóa- Thông tin.

    2. Nghiêm cấm lợi dụng lễ hội để tổ chức các hoạt động chống phá cách mạng, gây mất trật tự xã hội, mê tín dị đoan, thương mại hóa lễ hội, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

    3. Trước khi mở lễ hội phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tùy theo tính chất nội dung của lễ hội mà định thời gian nhưng không kéo dài quá 05 ngày.

    Điều 11. Trình tự thủ tục xin phép, cấp phép và tổ chức lễ hội

    1. Các lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội lịch sử cách mạng:

    - Lễ hội được tổ chức thường xuyên, liên tục, định kỳ thì không phải xin phép nhưng phải đăng ký và báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý văn hóa thông tin tại địa phương nơi diễn ra lễ hội, trước thời gian tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày (Thời gian, địa điểm, nội dung, kịch bản và danh sách Ban Tổ chức lễ hội);

    - Những lễ hội sau đây, khi tổ chức phải được phép của UBND tỉnh gồm: Lễ hội tổ chức lần đầu; lễ hội được khôi phục lại sau nhiều năm gián đoạn; lễ hội đã được tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi nội dung, thời gian, địa điểm, quy mô.

    2. Các lễ hội tôn giáo:

    - Các hoạt động lễ hội tôn giáo tại cơ sở thờ tự mà đã ký hàng năm và thực hiện trong khuôn viên cơ sở thờ tự thì không phải xin phép;

    - Những hoạt động lễ hội tôn giáo vượt ra ngoài khuôn viên cơ sở thờ tự hoặc chưa đăng ký hàng năm thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

    + Lễ hội có sự tham gia của tín đồ trong phạm vi một xã, phường, thị trấn phải được UBND xã, phường, thị trấn chấp thuận;

    + Lễ hội có sự tham gia có tín đồ trong phạm vi một huyện, thị xã phải được UBND cấp huyện, thị xã chấp thuận;

    + Lễ hội có sự tham gia có tín đồ đến từ nhiều huyện, thị xã trong tỉnh hoặc tỉnh khác phải được UBND tỉnh chấp thuận.

    3. Các lễ hội văn hóa du lịch:

    Được tổ chức theo nhu cầu nhiệm vụ, mục tiêu của UBND huyện, thị xã, Ban Tổ chức phải xây dựng kế hoạch, nội dung, kịch bản trình các Sở: Văn hóa- Thông tin, Thương mại- Du lịch thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện.

    Chương III

    KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

     

    Điều 12.

    1. Tổ chức, cá nhân có thành tích thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội sẽ được khen thưởng theo quy định của Pháp luật.

    2. Các đối tượng quy định tại khoản 2, Điều 1, nếu có hành vi vi phạm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái các quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vị phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật.

    Điều 13.

    1. Thủ trưởng cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang có trách nhiệm phổ biến, giáo dục, động viên và quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của mình thực hiện quy định này.

    2. Sở Văn hóa- Thông tin phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể có liên quan triển khai tuyên truyền sâu rộng những nội dung của Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đến các tầng lớp nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các hoạt động vi phạm.

    3. Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh- truyền hình có kế hoạch tổ chức tuyên truyền nhằm phát hiện, cổ vũ, động viên những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong việc thực hiện Quy định, phê phán các biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm quy định này.

    Điều 14. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh yêu cầu các ngành, các địa phương kịp thời báo về UBND tỉnh để có sự điều chỉnh phù hợp./.

     

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X