hieuluat
hoi dap

Thư viện câu hỏi

Tổng hợp các câu hỏi pháp lý thường gặp, các tình huống pháp lý thực tế gửi về Vanbanluat

Đang bị quản chế có được thay đổi nơi sinh sống hay không?

Câu hỏi: Xin hỏi Vanbanluat.com: Người chịu án phạt quản chế (do Tòa án nhân dân tỉnh tuyên án phạt bổ sung) do điều kiện và hoàn cảnh gia đình muốn chuyển nơi sinh sống ra huyện khác cùng tỉnh; vậy muốn giải quyết thì cơ quan nào giải quyết, thủ tục như thế nào, căn cứ điều khoản nào?

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:   

Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật hình sự 2015 và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Trách nhiệm của người đang bị quản chế khi đi khỏi nơi cư trú được quy định tại Điều 32 Luật Cư trú năm 2006, cụ thể như sau:

“Điều 32. Khai báo tạm vắng

1. Bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo; người bị phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị quản chế; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành khi đi khỏi nơi cư trú từ một ngày trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng.

2. Người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ ba tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng.

3. Người quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải khai báo tạm vắng tại Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú. Khi đến khai báo tạm vắng phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân và ghi vào phiếu khai báo tạm vắng.

4. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn nội dung khai báo, kiểm tra nội dung khai báo, ký xác nhận vào phần phiếu cấp cho người khai báo tạm vắng.”

Bên cạnh đó,  khoản 3, Điều 22, Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định: “Người khai báo tạm vắng thuộc khoản 1, Điều 32, Luật Cư trú khi khai báo tạm vắng phải có sự đồng ý bằng văn bản của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý người đó”…

Như vậy, người đang chấp hành hình phạt quản chế vẫn có quyền được chuyển nơi sinh sống nhưng phải trong phạm vi quốc gia. Tuy nhiên, khi đến sinh sống tại nơi ở mới, bạn phải làm thủ tục đăng ký tạm trú.

Việc đăng ký tạm trú được quy định tại khoản 2, Điều 30, Luật Cư trú năm 2006 như sau

“Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn”.

Thành phần hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

- Bản khai nhân khẩu (đối với các trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 31/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp).

Như vậy, người đang bị quản chế vẫn có thể chuyển nơi sinh sống ra huyện khác cùng tỉnh theo hướng dẫn nêu trên.

Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@vanbanluat.com
X