hieuluat
hoi dap

Thư viện câu hỏi

Tổng hợp các câu hỏi pháp lý thường gặp, các tình huống pháp lý thực tế gửi về Vanbanluat

Mua bán thông tin cá nhân của khách hàng bị xử lý như thế nào?

Câu hỏi: Xin hỏi Vanbanluat.com: Tôi thường đi mua sắm và có để lại thông tin cá nhân của mình. Tuy nhiên mấy tháng gần đây tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ bất động sản, bảo hiểm, tín dụng,... Tôi không hề cung cấp thông tin cá nhân của mình cho các tổ chức này nhưng lại liên tục bị làm phiền. Chắc chắn là khi mua sắm hàng hóa thông tin của tôi đã bị bán cho các bên này. Anh chị cho tôi hỏi hành vi bán thông tin cá nhân của khách hàng bị xử lý như thế nào? Xin giải đáp giúp tôi.

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau:   

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

Bên cạnh đó, tại Khoản 5 Điều 8 Luật an ninh mạng 2018 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

" Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng

[…]

5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi."

Việc xử phạt hàn vi vi phạm quy định về sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng được quy định tại Khoản 1 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP như sau:

“Điều 66. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lưu trữ thông tin cá nhân của người khác thu thập được trên môi trường mạng vượt quá thời gian quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên.”

Ngoài ra, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông cũng được quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

“Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

[…]

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;”

Như vậy, các hành vi khai thác thông tin cá nhân của một người mà chưa được sự đồng ý của người đó là hành vi vi phạm pháp luật. Đối với hành vi mua bán, trao đổi thông tin cá nhân của khách hàng tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@vanbanluat.com
X