hieuluat
hoi dap

Thư viện câu hỏi

Tổng hợp các câu hỏi pháp lý thường gặp, các tình huống pháp lý thực tế gửi về Vanbanluat

Công ty chậm báo tăng lao động sau thai sản bị phạt bao nhiêu?

Câu hỏi: Xin hỏi Vanbanluat.com: Trường hợp người lao động nghỉ hết 6 tháng thai sản và đi làm lại mà doanh nghiệp chưa báo tăng thì bị xử phạt như thế nào? Xin cảm ơn!

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hieuluat.vn, Ban tư vấn của hieuluat.vn xin trả lời bạn như sau: 

Khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định:

Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.

Khoản 1 Điều 32 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có quy định:

“Điều 32. Đơn vị sử dụng lao động, UBND xã, Đại lý thu/nhà trường, Cơ sở trợ giúp xã hội, Cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh và người có công; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội và cơ quan quản lý đối tượng

1. Đơn vị sử dụng lao động

1.1. Nhận hồ sơ của người lao động theo quy định tại Điều 23, Điều 27.

1.2. Kê khai hồ sơ

a) Đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT hằng tháng: theo quy định tại Điều 23.”

Theo đó, trường hợp người lao động quay trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản thì đơn vị phải điều chỉnh tăng lao động.

Nếu người lao động nghỉ hết 6 tháng thai sản và đi làm lại mà doanh nghiệp chưa báo tăng (tức là báo tăng lao động muộn) sẽ được coi là không tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian chưa báo tăng đó và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như đối với trường hợp không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:

“Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

[…]

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 95/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP) thì “Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân” nên doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền với mức từ 24% đến 30% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng.

Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@vanbanluat.com
X