hieuluat

Công văn 1282/TCHQ-PC trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Tổng cục Hải quanSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:1282/TCHQ-PCNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Mai Xuân Thành
    Ngày ban hành:07/03/2019Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:07/03/2019Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Xuất nhập khẩu
  • BỘ TÀI CHÍNH
    TỔNG CỤC HẢI QUAN
    -------

    Số: 1282/TCHQ-PC
    V/v: Trả lời các kiến nghị của DN tại các công văn số 2992/PTM-VP và số 0114/PTM-VP

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2019

    Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

    Về việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp tại báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2018, quý 4/2018 theo các Công văn số 2992/PTM-VP ngày 27/12/2018 và Công văn số 0114/PTM-VP ngày 18/01/2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nghiên cứu, Tổng cục Hải quan trả lời, cập nhật thông tin một số vướng mắc của doanh nghiệp như sau:

    I. Về các kiến nghị tại Công văn số 2992/PTM-VP:

    1. Về kiến nghị số 5 Phụ lục 1 liên quan việc Hiệp hội Sữa Việt Nam kiến nghị việc hướng dẫn áp dụng phương thức kiểm tra giảm đối với lô hàng nhập khẩu (Trang 08 Phụ lục 1 kèm Công văn số 2992/PTM-VP ngày 27/12/2018 của VCCI). Về nội dung này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

    Phương thức kiểm tra giảm được áp dụng đối với lô hàng, mặt hàng thuộc một trong 03 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện cơ quan hải quan gặp một số vướng mắc trong việc xác định lô hàng, mặt hàng trong cả 03 trường hợp trên, cụ thể:

    Để xác định lô hàng, mặt hàng thuộc phương thức kiểm tra giảm theo quy định tại Điều 17 của Nghị định:

    a. Để được xác định là doanh nghiệp được áp dụng phương thức giảm thì doanh nghiệp đã được xác nhận đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước đã ký kết Điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm mà Việt Nam là thành viên; có kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu đối với lô hàng, mặt hàng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

    Đối với nội dung này, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3322/BTC-TCHQ ngày 22/03/2018; công văn số 4064/TCHQ-GSQL ngày 11/7/2018 gửi các Bộ (Công Thương, Y tế, NNPT&NT) đề nghị cung cấp cơ sở dữ liệu cho cơ quan hải quan để cơ quan hải quan áp dụng phương thức kiểm tra.

    Hiện nay, Tổng cục Hải quan chưa nhận được ý kiến của các Bộ.

    b. Để được xác định là doanh nghiệp được áp dụng phương thức giảm thì doanh nghiệp đã có 03 (ba) lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường.

    Do cơ quan hải quan không có cơ sở để xác định lô hàng, mặt hàng thế nào là 03 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức thông thường, do vậy, đối với nội dung này, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3322/BTC-TCHQ ngày 22/03/2018 và công văn số 4064/TCHQ-GSQL ngày 11/7/2018; công văn số 5449/TCHQ-GSQL ngày 19/9/2018 gửi các Bộ (Y tế, Công Thương, NNPTNT) đề nghị các Bộ chỉ đạo các cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu cung cấp kịp thời cho Tổng cục Hải quan các danh mục sản phẩm, hàng hóa (kèm mã số HS) và danh sách các tổ chức/cá nhân (kèm mã số doanh nghiệp) đáp ứng đủ điều kiện được áp dụng phương thức kiểm tra giảm để cơ quan đưa vào cơ sở dữ liệu quản lý phân luồng.

    Đến nay, Tổng cục Hải quan mới nhận được danh sách của 07 đơn vị (trong 46 đơn vị kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm được 03 Bộ chỉ định) thông báo các tổ chức/cá nhân có sản phẩm/hàng hóa được áp dụng phương thức kiểm tra giảm cho cơ quan hải quan.

    c. Để được áp dụng phương thức kiểm tra giảm thì lô hàng hoặc mặt hàng của tổ chức/cá nhân nhập khẩu được sản xuất trong các cơ sở áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương.

    Do cơ quan hải quan không đủ cơ sở để xác định bản sao chứng thực hoặc bản chính hợp pháp hóa lãnh sự của một trong các giấy GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương để đưa vào danh sách kiểm tra giảm, do vậy, liên quan đến nội dung này, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 4064/TCHQ-GSQL ngày 11/7/2018 gửi các Bộ đề nghị các Bộ có ý kiến về các chứng từ có giá trị tương đương với các Giấy chứng nhận GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 là những từ nào hoặc dựa vào tiêu chí nào để có thể xác định là chứng từ có giá trị tương đương với các chứng từ nêu trên.

    Theo ý kiến của Bộ NN&PTNT thì hiện tại chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này nên chỉ có thể xem xét cụ thể loại chứng nhận được xuất trình kèm theo hồ sơ đăng ký nhập khẩu để đánh giá và kết luận.

    Theo ý kiến của Bộ Công Thương thì hầu hết các cơ sở sản xuất thực phẩm (nếu áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm) đều áp dụng một hoặc một số hệ thống tiên tiến, được sử dụng rộng rãi trên thế giới như các tiêu chuẩn: GMP. HACCP, ISO 22000, IFS, BRS, FSSC 22000. Trong trường hợp, cơ sở sản xuất thực phẩm tại nước xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam đã được cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm khác bởi tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được công nhận của chính quốc gia đó thì Giấy chứng nhận có giá trị tương đương.

    Ngoài ra, tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP chưa hướng dẫn cụ thể đối với việc kiểm tra tiêu chí gì trong bộ hồ sơ của doanh nghiệp được áp dụng phương thức kiểm tra giảm và tại Nghị định cũng chưa quy định đối với trường hợp nếu doanh nghiệp vi phạm thì xử lý như thế nào.

    Do vậy, từ các khó khăn vướng mắc nêu trên, hiện Tổng cục Hải quan đang đề xuất họp với các Bộ để thống nhất các nội dung vướng mắc.

    2. Về kiến nghị số 6, Phụ lục 1 về việc giải thích và hướng dẫn của Hải quan liên quan đến việc phủ nhận miễn thuế nhập khẩu đối với xuất khẩu tại chỗ ở Việt Nam của Hiệp hội thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (Trang 09-10 Phụ lục 1 kèm Công văn số 2992/PTM-VP ngày 27/12/2018 của VCCI).

    Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tổng hợp vướng mắc của các doanh nghiệp trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Ngoài ra, nội dung vướng mắc này đang được tổng hợp vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

    3. Về kiến nghị số 7, Phụ lục 1, kiến nghị khiếu nại và phản đối với Quyết định 1782/QĐ-HQHN ngày 26/11/2018 về việc ấn định thuế đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu của công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc (Trang 10-11, Phụ lục 1 kèm Công văn số 2992/PTM-VP ngày 27/12/2018 của VCCI).

    Về việc này Cục Thuế xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan đã có công văn số 297/TXNK-TGHQ ngày 05/01/2019 gửi Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc, theo đó: Trị giá hải quan của hàng hóa do Công ty xuất khẩu được xác định trên cơ sở giá bán hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất khẩu ghi trên hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn thương mại và các khoản chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tính đến cửa khẩu xuất phù hợp với các chứng từ có liên quan nếu các khoản chi phí này chưa bao gồm trong giá bán của hàng hóa. Trường hợp trong tổng số tiền mà đối tác nước ngoài thực tế đã thanh toán cho doanh nghiệp có bao gồm chi phí vận tải quốc tế, chi phí bảo hiểm quốc tế, và các chi phí khác có liên quan đến quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu xuất khẩu đến địa điểm giao hàng tại nước ngoài thì được trừ trị giá của các chi phí đó khỏi trị giá hải quan, với điều kiện doanh nghiệp xuất trình đầy đủ các chứng từ, tài liệu hợp pháp thể hiện chính xác trị giá của các khoản chi phí đã nêu.

    4. Tổng cục Hải quan cung cấp thông tin về việc trả lời kiến nghị của doanh nghiệp theo Công văn chuyển đến của Văn phòng Chính phủ như sau:

    4.1. Công văn số 11520/VPCP-ĐMDN ngày 26/11/2018 về việc hướng dẫn thủ tục giải thể công ty, kiến nghị của Công ty TNHH TM dịch vụ Hào Phát: Tổng cục Hải quan đã có công văn trả lời số 7162/TCHQ-TXNK ngày 05/12/2018 gửi Văn phòng Chính phủ.

    4.2. Công văn số 11068/VPCP-ĐMDN ngày 14/11/2018 về việc áp dụng mã HS của Hải quan tỉnh Quảng Ninh, kiến nghị của Chi nhánh Công ty TNHH Tân Nhật Minh: Tổng cục Hải quan đã có công văn số 118/TCHQ-TXNK ngày 04/01/2019 phản hồi kiến nghị của Chi nhánh Công ty TNHH Tân Nhật Minh - TP.HCM và Công văn số 120/TCHQ-TXNK ngày 04/01/2019 yêu cầu Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra xác minh đối với các mặt hàng nhập khẩu của Công ty.

    4.3. Công văn số 11269/VPCP-ĐMDN ngày 20/11/2018 về việc lô cá bào khô nhập khẩu không được thông quan, kiến nghị của Công ty TNHH Phúc Vĩnh, TP Hồ Chí Minh: Bộ Tài chính đã có Công văn số 15055/BTC-TCHQ ngày 04/12/2018 gửi Văn phòng Chính phủ.

    4.4. Công văn số 11450/VPCP-ĐMDN ngày 23/11/2018 về việc lô hàng nhôm phế liệu nhập khẩu chưa được thông quan từ tháng 5/2018 của Công ty CP Alutec Vina: Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 406/TCHQ-GSQL ngày 17/01/2019 hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện và gửi Văn phòng Chính phủ biết.

    4.5. Công văn số 9351/VPCP-ĐMDN ngày 27/9/2018 liên quan đến kiến nghị hỗ trợ hướng dẫn thành lập doanh nghiệp chế xuất theo Nghị định mới của Chính phủ, kiến nghị của Công ty SD Global Việt Nam, tỉnh Hải Dương: Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 4129/GSQL-GQ2 ngày 24/12/2018 trả lời Công ty.

    4.6. Công văn số 9175/VPCP-ĐMDN ngày 21/9/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc Công ty TNHH dịch vụ Song Phát kiến nghị về thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu nhập: Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 6141/TCHQ-GSQL ngày 19/10/2018 trả lời công ty.

    II. Về các kiến nghị tại Công văn số 0114/PTM-VP ngày 18/01/2019:

    Tổng cục Hải quan cung cấp thông tin về việc trả lời kiến nghị của doanh nghiệp theo Công văn chuyển đến của Văn phòng Chính phủ như sau:

    - Công văn 12324/VPCP-ĐMDN ngày 19/12/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc Công ty TNHH Tân Nhật Minh, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị về việc bị bác mã HS và truy thu tiền thuế: Kiến nghị tại Công văn này nhắc lại kiến nghị gửi kèm Công văn số 11068/VPCP-ĐMDN ngày 14/11/2018 của Văn phòng Chính phủ. Về việc này, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 118/TCHQ-TXNK ngày 04/01/2019 phản hồi kiến nghị của Chi nhánh Công ty TNHH Tân Nhật Minh, TP. Hồ Chí Minh và Công văn số 120/TCHQ-TXNK ngày 04/01/2019 yêu cầu Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra xác minh đối với các mặt hàng nhập khẩu của Công ty.

    - Công văn số 12769/VPCP-ĐMDN ngày 31/12/2018 của Văn phòng Chính phủ việc việc Công ty TNHH MTV xây dựng thương mại Tân Lộc Phan kiến nghị việc xác nhận nợ thuế hải quan của Công ty: Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 346/TCHQ-TXNK ngày 14/01/2019 gửi Văn phòng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của Công ty. Theo đó, Cục Thuế Xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 8183/TXNK-DTQLT ngày 07/12/2018 gửi Công ty về việc xác nhận Công ty không nợ thuế xuất nhập khẩu để làm thủ tục giải thể.

    - Công văn 12327/VPCP-ĐMDN ngày 19/12/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc Công ty TNHH Wan Hai Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị liên quan đến Công văn số 6889/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan và Công văn 12328/VPCP-ĐMDN ngày 19/12/2018 của Văn phòng Chính phủ liên quan việc Công ty CP CMA CMG Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị về việc hãng tàu CMA hướng dẫn khai báo manifest 6889/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan: Liên quan nội dung này, ngày 02/01/2019, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 35/TCHQ-GSQL chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và Các Hãng tàu/Đại lý hãng tàu/Công ty giao nhận, theo đó đối với hàng hóa nhập khẩu không phải là phế liệu thì tạm dừng thực hiện việc khai báo manifest theo hướng dẫn tại công văn số 6889/TCHQ-GSQL.

    Tổng cục Hải quan sẽ thông báo thời gian thực hiện sau khi chỉnh sửa hệ thống tiếp nhận khai báo manifest trên cổng thông tin 1 cửa.

    - Công văn 12771/VPCP-ĐMDN ngày 31/12/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc Công ty TNHH Dân & Đan kiến nghị về một số vướng mắc, khó khăn đối với thủ tục hải quan của Công ty: Tổng cục Hải quan đã có Công văn mật số 32/TCHQ-QLRR ngày 28/01/2019 để trả lời vướng mắc này (Công văn này có gửi Công ty, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).

    Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý đơn vị./.

    Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Văn phòng Chính phủ (để b/c);
    - Thứ trưởng Vũ Thị Mai (để b/c);
    - Vụ CST Bộ TC (để theo dõi);
    - Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn (để b/c);
    - Lưu: VT, PC (03b).

    KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
    PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




    Mai Xuân Thành

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
    Ban hành: 01/09/2016 Hiệu lực: 01/09/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    02
    Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm
    Ban hành: 02/02/2018 Hiệu lực: 02/02/2018 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X