hieuluat

Chỉ thị 13/CT-BYT tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa hồi sức tích cực và khoa gây mê hồi sức

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Y tếSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:13/CT-BYTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Chỉ thịNgười ký:Nguyễn Thị Kim Tiến
    Ngày ban hành:20/11/2019Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:20/11/2019Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Y tế-Sức khỏe
  • BỘ Y TẾ

    -------------

    Số: 13/CT-BYT

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ---------------

    Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2019

     

     

    CHỈ THỊ

    Về tăng cường hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa hồi sức tích cực và khoa gây mê hồi sức trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

    ----------------

     

    Nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên toàn thế giới. Nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ gây nguy hại cho người bệnh, nhân viên y tế, người nhà người bệnh mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến người dân tại cộng đồng. Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng chi phí điều trị, tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng thuốc kháng sinh, tăng đề kháng với thuốc kháng sinh của vi khuẩn và ảnh hưởng đến hiệu quả của việc áp dụng các kỹ thuật mới, hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh.

    Trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khoa hồi sức tích cực và khoa gây mê hồi sức là hai khu vực thường xuyên có nhiều người bệnh nặng, người suy giảm miễn dịch, người bệnh thực hiện nhiều phẫu thuật, thủ thuật xâm lấn nên có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cao.

    Để tăng cường hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa hồi sức tích cực và khoa gây mê hồi sức trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, giảm thiểu nhiễm khuẩn bệnh viện, bảo đảm an toàn trong cung cấp dịch vụ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

    I. Các bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh

    1. Từng bước cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng khoa hồi sức tích cực, khoa gây mê hồi sức và các khoa phòng khác bảo đảm các nguyên tắc về phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện tiến tới đạt chuẩn. Khi xây mới cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khoa hồi sức tích cực và khoa gây mê hồi sức phải tham vấn ý kiến chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn.

    2. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện, hóa chất và vật tư cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn đúng theo quy định trong cơ cấu giá viện phí.

    3. Bảo đảm đủ nhân lực, đặc biệt là điều dưỡng, hộ sinh thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện, không để người nhà người bệnh tham gia vào chăm sóc người bệnh tại khoa hồi sức tích cực và khoa gây mê hồi sức; nhân lực làm kiểm soát nhiễm khuẩn chuyên trách tại tất cả bộ phận đầy đủ và được đào tạo.

    4. Xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, giám sát công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa hồi sức tích cực và khoa gây mê hồi sức.

    5. Tuân thủ đúng các quy định về vô khuẩn trong chăm sóc và điều trị người bệnh, đặc biệt là vô khuẩn trong phẫu thuật, thủ thuật xâm lấn.

    6. Tuân thủ đúng hướng dẫn thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm mọi nhân viên y tế, sinh viên thực tập, người bệnh và người nhà người bệnh tuân thủ nghiêm các chỉ định vệ sinh tay.

    7. Bảo đảm một phòng mổ chỉ bố trí một bàn phẫu thuật. Không thực hiện đồng thời 2 ca mổ trong một phòng mổ.

    8. Triển khai áp dụng nghiêm quy định về sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật. Không sử dụng kháng sinh sau mổ nếu không có nhiễm khuẩn.

    9. Xử lý dụng cụ sử dụng lại đúng quy định. Tất cả dụng cụ phẫu thuật thông thường và nội soi phải dược tiệt khuẩn. Trường hợp đơn vị tiệt khuẩn dụng cụ phẫu thuật nội soi bằng phương pháp ngâm hóa chất thì phải có phòng tiệt khuẩn riêng, bảo đảm đúng chủng loại hóa chất, đúng nồng độ và thời gian ngâm tiệt khuẩn theo quy định tại hướng dẫn xử lý dụng cụ phẫu thuật nội soi.

    10. Áp dụng các biện pháp cách ly phòng ngừa nhiễm khuẩn cho người bệnh phù hợp. Không bố trí người bệnh không nhiễm khuẩn chung buồng với người bệnh nhiễm khuẩn.

    11. Tuân thủ đúng vệ sinh môi trường, vệ sinh các trang thiết bị, dụng cụ chăm sóc và điều trị người bệnh.

    12. Thực hiện giám sát chủ động, liên tục nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn vết mổ và viêm phổi liên quan đến thở máy.

    13. Tăng cường giám sát tuân thủ thực hành liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn của nhân viên y tế, giám sát vi sinh môi trường và giám sát vi khuẩn kháng thuốc.

    14. Tăng cường đào tạo cập nhật các hướng dẫn thực hành phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế và các đối tượng có liên quan.

    II. Các đơn vị thuộc Bộ Y tế

    1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

    - Xây dựng kế hoạch và tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác kiểm soát nhiễm khuấn tại khoa hồi sức tích cực và khoa gây mê hồi sức của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

    - Đẩy mạnh việc xây dựng, ban hành các quy định, quy trình, hướng dẫn chuyên môn liên quan đến các hoạt động kiểm soát nhiễm khuần tại khoa hồi sức tích cực và khoa gây mê hồi sức.

    - Tiếp tục xây dựng, mở rộng và vận hành hệ thống giám sát, báo cáo dữ liệu quốc gia về nhiễm khuẩn bệnh viện.

    2. Vụ Trang thiết bị và công trình y tế

    - Phổ biến, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, các yêu cầu về trang thiết bị tại khoa hồi sức tích cực và khoa gây mê hồi sức bảo đảm phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

    - Nghiên cứu, đề xuất các quy định, tiêu chí, hướng dẫn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nói chung và tại khoa hồi sức tích cực, khoa gây mê hồi sức phù hợp.

    3. Vụ Kế hoạch - Tài chính

    - Đầu mối đề xuất cơ chế chính sách về tài chính trong việc bảo đảm kinh phí cho thực hiện các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn trong khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là các chi phí kiểm soát nhiễm khuẩn cho khoa hồi sức tích cực và khoa gây mê hồi sức.

    - Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện đúng quy định về tài chính, mua sắm trang thiết bị, vật tư liên quan đến hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn.

    4. Cục Quản lý Môi trường y tế làm đầu mối phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các Vụ, Cục liên quan chỉ đạo, hướng dẫn quản lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường, bảo đảm cung cấp nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng.

    III. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, Ngành

    - Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị đến tất cả các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

    - Đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn với các cơ quan có thẩm quyền.

    Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh)./.

     

    Nơi nhận:

    - Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);

    - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để ph/hợp);

    - Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ (để t/h);

    - Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TW (để t/h);

    - Y tế các Bộ, Ngành (để t/h);

    - Lưu: VT, KCB.

    BỘ TRƯỞNG

     

     

     

     

     

    Nguyễn Thị Kim Tiến

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X