hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 08/03/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Muốn tạm hoãn hợp đồng lao động, "đừng quên" những điều này

Tạm hoãn hợp đồng lao động là cách giúp cả người lao động và doanh nghiệp có thể đảm bảo được quyền lợi của mình khi chưa thể tiếp tục thực hiện hợp đồng. Vậy cần lưu ý gì khi tạm hoãn hợp đồng lao động?

Mục lục bài viết
  • Các trường hợp người lao động được tạm hoãn hợp đồng lao động
  • Chế độ trợ cấp thất nghiệp khi tạm hoãn hợp đồng
  • Tiền lương trong thời gian tạm hoãn hợp đồng
  • Giải quyết quay lại làm việc sau thời gian tạm hoãn hợp đồng

Tạm hoãn hợp đồng lao động cần lưu ý những gì?

Câu hỏi: Do điều kiện cả về sức khỏe và công việc gia đình mà em không thể tiếp tục làm việc trong vòng 04 tháng tới nhưng em vẫn còn muốn tiếp tục gắn bó với công ty hiện tại. Vậy em có thể xin tạm hoãn hợp đồng lao động được không ạ? Em cần lưu ý những điều gì ạ? Em cảm ơn. – Lã Thị Thu Hương (Thái Nguyên).

Trả lời:

Về nội dung thắc mắc này, Vanbanluat đưa ra một số thông tin như sau, mời độc giả tham khảo:

* Các trường hợp người lao động được tạm hoãn hợp đồng lao động

Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019 thì nếu thuộc một trong các trường hợp sau, người lao động được tạm hoãn hợp đồng lao động:

- Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ dân quân tự vệ;

- Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo pháp luật tố tụng hình sự;

- Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;

- Lao động nữ mang thai nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi;

- Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

- Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;

- Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

- Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

Như vậy, có thể thấy với 08 trường hợp nêu trên Bộ luật Lao động 2019 đã mở rộng hơn đối tượng được tạm hoãn hợp đồng lao động hợp pháp.

tam hoan hop dong lao dong

Tạm hoãn hợp đồng lao động cần lưu ý gì? (Ảnh minh họa)

 

* Chế độ trợ cấp thất nghiệp khi tạm hoãn hợp đồng

Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm 2013, để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần đảm bảo 04 điều kiện sau:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng không xác định thời hạn/hợp đồng xác định thời hạn không quá 36 tháng;

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm;

- Chưa tìm được việc sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ, trừ các trường hợp sau:

+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an;

+ Đi học có thời hạn từ 12 tháng trở lên;

+ Chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc;

+ Bị tạm giam, phạt tù;

+ Ra nước ngoài định cư;

+ Đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc chết.

Có thể thấy, chỉ khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Còn trường hợp tạm hoãn hợp đồng trong một thời gian nhất định sẽ không được hưởng khoản trợ cấp này.

* Tiền lương trong thời gian tạm hoãn hợp đồng

Khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định cụ thể quyền lợi của người lao động trong thời gian tạm hoãn hợp đồng như sau:

2. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, trong thời gian tạm hoãn hợp đồng, người lao động không được hưởng lương và quyền lợi đã giao kết trừ khi có sự thỏa thuận khác với người sử dụng lao động.

* Giải quyết quay lại làm việc sau thời gian tạm hoãn hợp đồng

Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày hết hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Trường hợp người lao động không thể có mặt tại nơi làm việc đúng thời hạn thì phải thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời điểm có mặt.

Ngoài ra, trong trường hợp người sử dụng lao động không bố trí được đúng công việc cho người lao động sau khi hết thời gian tạm hoãn hợp đồng thì thỏa thuận công việc mới và sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

Nói cách khác, khi hết thời gian tạm hoãn, hợp đồng lao động vẫn còn thời hạn, doanh nghiệp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động, trừ trường hợp hai bên có sự thỏa thuận khác.

Để tìm hiểu thêm nội dung này, tham khảo bài viết: Công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái luật phải bồi thường thế nào?

Trên đây là các lưu ý cần biết khi người lao động muốn tạm hoãn hợp đồng lao động. Nếu còn băn khoăn, độc giả vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24 giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X